CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BA TUẦN XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 21,5-11
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: Kh 14, 14-19
Tôi là Gioan, tôi còn một thị kiến nữa: Kìa một đám mây và có Đấng ngự trên mây giống như một Con Người.
Ý nghĩa của biểu tượng này ở trong sách Đaniel 7,13. Trong lúc bị kết án tử hình trước các quan tòa, Đức Giêsu đã trực tiếp lấy lại hình ảnh này mà nói: “Tôi nói cho các ông hay, rồi đây các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng toàn năng và còn thấy Người ngự giá mây trời mà đến" (Mt 26, 64).
Tôi muốn chiêm ngắm Đức Giêsu, Đấng từ nay là như vậy. Chúng ta không nên hiểu hình ảnh này cũng như các hình ảnh khác, theo nghĩa không gian:
Đám mây tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa (Thiên Chúa hiện diện trong cột mây ở sa mạc, và trong cảnh hiển dung, Đức Giêsu đã được một đám mây sáng chói bao phủ).
Màu trắng tượng trưng cho chiến thắng.
Tư thế “ngồi” tượng trưng cho sự vững chắc và uy quyền.
Đấng ấy, đầu đội triều thiên vàng và tay cầm liềm sắc bén.
Đây là một ông “vua" và đồng thời cũng là một người “thợ gặt".
Xin tra liềm của Người mà gặt vì đã đến giờ gặt, vì mùa màng trên đất đã chín rồi.
Biểu tượng này rất quen thuộc với các Kitô hữu sơ khai và cả với ta nữa.
Đức Giêsu đã nói: “Hãy cho lúa và cỏ lùng lớn lên cho tới mùa gặt... mùa gặt là ngày tận thế ( Mt 13,3-39).
Người còn nói: "Lúa vừa chín, người ta đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa” (Mc 4,29) nếu tôi đã chứng kiến hoặc tham dự vào công việc ngày mùa, tôi gợi lại hình ảnh ấy, một hình ảnh vui nhộn, sung mãn, dư dật, hạnh phúc . . hình ảnh thu hoạch kết quả của bao vất vả nhọc nhằn trong những ngày đông giá... đó là mùa hè, một, mùa tốt đẹp, mùa gặt hái được coi như một ngày lễ hội.
Tôi muốn gợi lại hình ảnh một cánh đồng lúa chín vàng.... như Thánh Gioan nói: “mùa màng trên đất đã chín rồi”. Để đạt tới ngày mùa, cánh đồng phải qua nhiều giai đoạn: các hạt giống ẩn sâu dưới lòng đất bắt đầu đâm mộng lên mầm, màu xanh non xuất hiện, những cọng cây non nớt cứ lớn lên, rồi nhờ màu mỡ chất đất, các thân cây tròn mình, bắt đầu trổ giá… rồi trải bao nhiêu thử thách: Gió sương, mưa nắng… cuối cùng cánh đồng vàng rực ngày mùa đem lại niềm vui cho bao thợ gặt ! và Thiên Chúa đang ngắm nhìn nhân loại như thế. Một vụ mùa đang chín vàng.
Lạy Chúa, xin sai các thợ đến mùa gặt của Người! "Mùa gặt phong phú" càng tốt….. “Mà thợ gặt ít quân". Lạy Chúa xin biến con nên thợ gặt, ngay chính nơi con ở.
Một thiên thần khác, vị này có quyền trên lửa, lớn tiếng nói với vị cầm liềm: xin tra liềm của Người mà hái các chùm nho trong vườn nho... Và thiên thần kia hái vườn nho dưới đất... rồi đổ cả vào bồn đạp nho lớn tức là cơn lôi đỉnh của Thiên Chúa.
Đây là một biểu tượng trái nghịch mang ý nghĩa qua lại hình ảnh “lửa "và “bồn đạp nho”. Trong khi mùa gặt phù hợp với lời: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta đã chúc phúc"... thì mùa hái nho phù hợp với câu: “Hỡi quân bị nguyền rủa kia, đi đi mà hỏa ngục đời đời. Các kẻ lành được gặt hái trong miền hoan lạc. Còn các kẻ dữ bị nghiền nát, phải lãnh án phạt.
Đề tài về cơn thịnh nộ của Thiên Chúa thường thấy trong Kinh thánh ( Isaia 63,1) liên kết với hình ảnh chiếc bồn đạp nho mà trong đó các bàn chân của những người đạp nho nghiền nát: làm máu chảy ra. Đây chỉ là, những hình ảnh thật sống động nhằm giúp ta suy nghĩ về cuộc"phán xét cuối cùng đầy nghiêm khắc và bi thảm.
Bài đọc II: Đn 2, 21-45
Thị kiến về "bức tượng chân bằng đất sét:
Đây là một dụ ngôn rất rõ. Các đế quốc trần gian tự tin là rất vững chắc: Tất cả đều rực rỡ và bề ngoài giàu có, xây dựng bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng sắt, nhưng các chân của cả khối (nền) lại “bằng đất sét”. Và không cần gì, một tảng đá nhỏ thôi chẳng hạn, đủ để lật nhào tất cả xuống đất.
Đaniél, dưới áo phủ ngoài của dụ ngôn này, rõ ràng nhắm tới một chính quyền, chính quyền bách hại của Antiôcô Êpiphanê. Có một thời, rõ rệt là ông ta thắng thế. Nhưng Đaniel, trong Đức tin của mình, lại thấy rõ tương lai.
Bên ngoài những xáo trộn chính trị... giữa các xáo trộn chính trị, Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử. Vị sứ ngôn, như trong các sách khác thuộc loại này ( gọi là “khải huyền") không phân biệt rõ giữa các bình diện khác nhau. Đối với người, tất
cả đều liên hệ và trộn lẫn với nhau... sự suy sụp về chính trị của Antiôcô, sự độc lập của quê hương ông, sự giải thoát dứt khoát thời cuối cùng.
Đối với chúng ta HÔM NAY, điều cốt yếu là mở rộng cõi lòng để hy vọng: Dầu việc gì xảy ra, Thiên Chúa vẫn dẫn dắt lịch sử, và chương trình của Người vẫn tiến hành và sẽ thành công. Tôi gợi lên: bối cảnh lịch sử của HÔM NAY. Hoàng- thượng là vua các vua. Thiên. Chúa trên trời đã ban cho Hoàng thượng vương quốc sức mạnh quyền thế và vinh quang.
Nabukôđônôsor được nghe nói điều đó ! ông, một vua lương dân, ông, người đã phá hủy và bắt Israel lưu đày... được nghe rằng ông “được Chúa” đưa dẫn. Cả khi ông làm những điều rõ rệt chống lại Chúa, ông vẫn ở dưới sự kiểm soát của Người, và thể hiện mà không hay biết các kế đồ của Thiên Chúa.
Lạy Chúa con tin rằng các biến cố HÔM NAY đều dưới quyền kiểm soát của Chúa. Con xin được khám phá rõ hạn ý
nghĩa của các biến cố ấy... Lạy Chúa, con xin Chúa cho con
được thông phần vào chương trình của Chúa đối với thế giới.
Qua đời sống, những trách nhiệm của con, làm sao con có thể
làm cho lịch sử tiến tới sự hoàn thành... Tới nước Chúa tới thành quả trong Chúa?
Thiên Chúa trên trời sẽ khiến một nước dấy lên, đời đời không hề bị tàn phá.
Sự nối tiếp nhau của các vương quốc trần gian, chuẩn bị một “vương quốc” Vĩnh cửu. Lạy Cha chúng con ở trên trời, nguyện nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện ! Chúa đã nói Nước Chúa đến gần, giữa các ngươi”.
Và chúng con sống trong đó. Chúng con đang ở vào giữa thời gian cuối cùng". Từ HÔM NAY, tôi có thể làm cho Thiên Chúa cai trị trên ý chí của tôi, trên cùng tận nhỏ bé của vũ trụ trên điểm nhỏ của lịch sử tùy thuộc vào tôi: gia đình, nghề nghiệp, đời sống riêng... đời sống tập thể.
Đức vua trông thấy tảng đá từ ngọn núi tách ra, không phải người ta làm, nó đã tàn phá sành, sắt, đồng, bạc và vàng…
Chúa Giêsu đã biết sấm ngôn này. Người dùng nó cho mình “Viên đá người thợ xây loại bỏ, lại trở nên đá góc… phàm ai ngã xuống đá này, kẻ ấy sẽ tan xương; đá này rơi trúng ai, người ấy sẽ nát thịt” ( Lc 20, 18).
Thiên Chúa cao cả đã tỏ ra cho vua những sự sẽ xảy đến sau này.
Những kẻ bách hại những kẻ chống đối đức tin Antiôcô phải gặp thấy sức mạnh nào trong những lời như thế. Sự bảo đảm chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa.
Đức tin của tôi có phải là một sức mạnh cho tôi HÔM NAY không? tôi có nghĩ về “tương lai” không?
Tôi có hướng về tương lai Thiên Chúa dọn cho tôi không? tôi có thụ động chờ đợi điều phải đến không? hay tôi nỗ lực góp phần khiêm tốn của tôi vào đó?
BÀI TIN MỪNG: Lc 21, 5-11
Hôm nay chúng ta bắt đầu đọc diễn từ cuối cùng của Đức Giêsu. Các nhà chú giải Kinh Thánh gọi là “Diễn từ cánh chung”. Ở đây Đức Giêsu sử dụng một hình thức văn chương và một số hình ảnh có sẵn, mang tính tượng trưng: đó là một thứ quy luật ngôn ngữ, mà thời đó mà mọi người đều hiểu, bởi vì nó thuộc truyền thống, trong Kinh Thánh và ở ngoài Kinh Thánh. Đức Giêsu nói thứ ngôn ngữ của thời Người. Người dùng lối văn “Khải Huyền” của thời đại… ngoài ra, còn bí nhiệm nhiều hơn so với phần lớn các kiểu nói khải huyền khác mà ta còn lưu giữ được thời đó.
Diễn từ cần được giải thích với nhiều hiểu biết, hơn những đoạn Tin Mừng khác. Nếu chỉ đọc sơ sài thiếu tính khoa học, người ta dễ có nguy cơ bỏ qua ý nghĩa sâu xa của diễn từ.
Nhất là, đây là bản văn vô cùng tối nghĩa, trong đó hai nhãn quan như hoà trộn với nhau: sự kết thúc thành Giêrusalem... và tận cùng thế giới. Sự việc trước là biểu tượng cho biến cố sau. Chỉ nguyên một chi tiết này cũng giúp ta nhận biết, thật là quan trọng biết bao khi phải bỏ qua những hình ảnh bên ngoài để đi tới ý nghĩa phổ quát của chúng, có giá trị cho một thời đại.
Biến cố mà Đức Giêsu nhắm tới (sự phá hủy thành Giêrusalem) đã cống hiến cho ta một chìa khoá giải thích đối với nhiều biến cố khác của lịch sử thế giới.
Mấy môn-đệ của Đức Giêsu nói về Đền thờ, trầm trồ khen ngợi những viên đá quý và những đồ dâng cúng.
Thời Đức Giêsu, Đền thờ hoàn toàn mới mẻ. Nó chưa được hoàn thành. Công cuộc xây cất đã được khởi sự từ mười chín năm trước Đức Giêsu Kitô. Nó đó xem như một trong bảy kỳ công của thế giới cổ. Đền thờ với đá hoa, vàng, màu, trương ván bọc tường được trạm trổ… đã làm cho bao khách hành hương phải trầm trồ thán phục. Người ta thường nói: “Ai chưa nhìn thấy Giêrusalem trong vẻ tráng lệ của nó thì không khi nào bắt gặp được niềm vui. Kẻ nào chưa chiêm ngắm Thánh điện, người đó chưa bao giờ nhìn thấy một thành phố tuyệt đẹp!”.
Đức Giêsu mới bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó, sẽ có ngày bị tàn phá, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”.
Đây là một sự mỏng manh, già cỗi của những công trình đẹp đẽ nhất do con người thiết lập.
Mọi công trình đẹp nhất của con người được kiến trúc trên những đổ nát của những công trình khác đã bị tàn phá. Cũng tại nơi đây, xưa kia có hai kỳ công khác: Đền thờ đã được Salomon xây dựng vào khoảng 1000 trước Đức Giêsu Kitô, đã bị Nabuchodonosor tiêu hủy năm 586…rồi tới đền thờ được Zorobabel thiết dựng, mà viên đá đầu tiên được đặt vào năm 536… còn đền thờ đương thời với Đức Giêsu, ít năm sau cũng sẽ bị Titô phá hủy năm 70… để tới năm 687 được thay thế bằng một Thánh đường Hồi giáo Omar, luôn đứng mãi chỗ này.
Không hùa theo những tiếng trầm trồ thán phục của các môn-đệ, Đức Giêsu loan báo một tai họa, theo kiểu nói truyền thống nhất của các ngôn sứ ( Mk 3, 12 ; Gr 7, 1-15; 26,1-19 ; Ed 8, 11).
Tôi suy nghĩ về tính cách hết sức mỏng manh của mọi vật… đến sự mỏng dòn “của tôi”… đến đặc tính vắn vỏi của sắc đẹp, sự sống…
Cần biết nhìn thực tế này trước mắt, theo lời mời gọi của Đức Giêsu: “Mọi sự sẽ đều bị tiêu diệt”. Tôi có thể rút ra được kết luận nào đây?
Các môn-đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó xảy ra, khi sắp xảy ra, thì điềm gì báo trước?”.
Đúng là các môn-đệ đã đại diện cho ta bên cạnh Đức Giêsu. Các ông đã nêu câu hỏi mà hôm nay chúng ta cũng đang đặt ra. Có lẽ chúng ta cũng muốn biết rõ ngày nào, và dấu chỉ nào… Ta tưởng rằng, biết được “ngày tháng” có lẽ sẽ lợi hơn…
Đức Giêsu đáp: “Anh em phải coi chừng kẻo bị lừa gạt… vì sẽ có nhiều người nói: “Thời kỳ đã đến gần”, anh em chớ có theo họ… anh em đừng sợ”.
Môi lý thuyết tiêu biểu về “Ngày trở lại” được xây dựng dựa vào một thứ tiêu báo rõ ràng việc Đức Kitô trở lại, đều bị phá đổ trước lời tuyên bố của Đức Giêsu trên đây.
Ngày qua ngày, cần phải sống trong thái độ: Không biết đến “ngày tháng”… không để mình bị lừa phỉnh bởi những thứ cứu thế giả, không để mình sợ hãi trước sự khủng khiếp của lịch sử.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem.
HOÀN CẢNH:
Sau khi chỉ trích các luật sĩ và đề cao cử chỉ quảng đại của bà góa. Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đền thờ về phía núi Cây Dầu. Từ nơi này, nhìn thấy đền thờ Giê-ru-sa-lem đồ sộ nguy nga và kiên cố, các môn đệ tâm đắc khen ngợi và có cảm nghĩ đền thờ bền vững đến muôn đời; nhưng Chúa Giêsu đã nhìn cách bi quan khi Người báo trước đền thờ sẽ có ngày bị tàn phá bình địa. Lời loan báo này đã trở thành sự thực vào năm 70, khi quân Rô-ma đến chiếm và phá hủy thành Giê-ru-sa-lem.
Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại phần mở đầu bài giảng về sự sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem, là dấu chỉ về ngày cánh chung của thế giới. Trong phần mở đầu này, Chúa loan báo những điểm lạ xuất hiện trước sự sụp đổ đền thờ. Ở đây Người nói tới hai điềm báo là tiên tri giả và chiến tranh loạn lạc.
TÌM HIỂU:
5" Nhân có mấy người nói đến đền thờ …":
Từ phía núi Cây Dầu, Đức Giêsu và các môn đệ nhìn ngắm đền thờ. Các môn đệ trao đổi với nhau về những lời ca ngợi sự nguy nga và vững bền của đền thờ.
" những gì anh em đang chiêm ngưỡng …":
Xưa khia nhiều ngôn sứ đã loan báo đền thờ thứ nhất sẽ bị tàn phá (Mi-kha 3,1; Giê-rê-mi-a 7,1-15; Ê-dê-ki-en 8,11). Tượng trưng giao ước giữa Thiên Chúa và dân của Người bị phá huỷ, vì dân bất trung với Giao ước. Những đe dọa đó đã từng gây cớ vấp phạm trong dân Do Thái. Thay vì làm cho sự suy nghĩ và hối cải, thì họ tỏ ra bực tức và phẫn nộ. Đến lượt Đức Giêsu tiên báo đền thờ cuối cùng do Hê-rô-đê xây cất ( Lc 19,43-44; 21,10-24; 23,28-31) cũng sẽ hoang tàn vì Do Thái khước từ Người là Đấng Thiên Chúa sai đến. Những lời loan báo đó thay vì làm cho họ hối cải., thì họ đã ngỡ ngàng và phản đối (Mt 26,61; 27,40; Cv 6,14). Đây là lời Đức Giêsu loan báo có tính cách tiên tri về số phận của đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá bình địa.
7." Đức Giêsu hỏi …":
Trong Lu-ca cũng như trong Mac-cô 13,1-4, câu hỏi đưa về thời điểm và điềm báo Giê-ru-sa-lem bị tàn phá; trong Mat-thêu 24,1-3, câu hỏi đưa đến thời điểm Giê-ru-sa-lem bị tàn phá, điềm báo trước Chúa quang lâm và ngày tận thế.
8. " Đức Giêsu đáp …":
Theo Lu-ca thì Đức Giêsu cho biết ba dấu hiệu tiên báo việc phá đền thờ Giê-ru-sa-lem: các thiên sai giả xuất hiện, chiến tranh, các cuộc bách hại và hậu quả của chúng.
Bài Tin Mừng hôm nay mới nói đến hai điềm báo
- 21,8: Về tiên tri giả, Lu-ca cho biết đây là thầy dạy các sự dối trá loan báo ngày Chúa đến: "Đừng nghe theo họ" (17,23; 19,11). Người ta cho biết rằng trong những năm trước cuộc tàn phá Giê-ru-sa-lem đã xuất hiện rất nhiều tiên tri giả ( lagrange, Le Messianisme p.21).
- 21,9-11: Về chiến tranh, loạn lạc và các thiên tai khủng khiếp, Lu-ca cho biết là các biến cố đó,không thuộc về hiện tượng của ngày tận thế mà thuộc về lịch sử qua thiên nhiên. Không nên khiếp sợ vì chưa phải tận thế đâu. Có thể ở đây tác giả liên tưởng đến các vụ lộn xộn về quân sự và chính trị đã xảy ra năm 68. Khi vua Nê-rô băng hà! còn các điềm thiêng dấu lạ này. Lu-ca sẽ lập lại ở câu 21,25-26.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
Bài Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta những nhận thức và áp dụng như sau:
1. Đền thờ Giê-ru-sa-lem nguy nga, đồ sộ huy hoàng và kiên vững như vậy, nhưng có ngày lại bị sụp đổ: gợi lên cho chúng ta những gì mà chúng ta coi như hấp dẫn, bền vững ở trần gian, sẽ có ngày sụp đổ tan tành, nên chúng ta hãy tỉnh thức đừng có bám vào thế gian nữa, mà hãy hướng về những sự trên trời để chuẩn bị xứng đáng khi giã từ cõi trần này.
2. Cảnh tỉnh chúng ta đừng tuyệt đối hóa những sự ở đời, để làm nô lệ nó: như của cải vật chất, danh vọng, thú vui: nhưng hãy tương đối hóa nó như phương tiện Chúa ban để lập công chuẩn bị cho cuộc sống đời đời.
3. Sự tàn phá đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem là dấu chỉ cho sự tan vỡ của dân Do Thái, vì họ đã từ chối đón nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Sống ở trần gian này, nếu chúng ta từ chối sứ điệp của Chúa, tức là không sống đúng với phẩm giá người Kitô hữu đích thực hay người được Chúa thánh hiến qua lời khấn hoặc bí tích truyền chức, thì cũng sẽ bị phán xét nghiêm ngặt và kinh khủng như vậy trong giờ chết.
4. Thay vì chúng ta hỏi bao giờ tận thế, bao giờ Chúa đến trong giờ chết, thì chúng ta phải tự hỏi bây giờ tôi đã sẵn sàng trình diện, về với Chúa chưa ? đã sống cho Chúa chưa? Đã làm cho con người cũ theo tính xác thịt và thế gian qua đi chưa, để tôi bước vào thế giới mới, nơi tôi được dự tiệc cưới Nước Trời?
5. Những tàn phá do thiên tai: động đất, lụt lội, bão táp… những sự đổ nát bao công trình đồ sộ nguy nga, những sự "lên voi xuống chó" của biết bao người ham danh, tham lợi, chuộng địa vị trên thế giới, và nhất là cái chết của những người chung quanh … đâu là những biến cố nói với chúng rằng mọi sự ở đời này và những giá trị phù vân mau qua, nhưng hãy tìm những điều có giá trị cho sự sống đời đời trong việc phụng thờ Thiên Chúa, bác ái với tha nhân, thăng tiến vũ trụ vạn vật và nhất là thánh hóa đời sống mỗi ngày…
6. Qua đoạn Tin Mừng hôm nay cũng như những đoạn Tin Mừng được phụng vụ chọn trong tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ, Hội Thánh muốn nhắn nhủ chúng phải tỉnh thức. Cuộc đời trần thế của chúng ta sẽ chóng qua, thế giới này cũng sẽ cùng tận. Vì thế mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức và sẵn sàng.